Cử tri đề nghị có chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức phải thay đổi nơi ở để đến làm việc tại trụ sở mới sau sắp xếp các đơn vị hành chính.
Sáng 5/5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp 9. Ông cho biết cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đánh giá cao Đảng và Nhà nước, Chính phủ kịp thời ban hành chính sách rất phù hợp cho những người bị ảnh hưởng do sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Người dân đồng tình chủ trương ưu tiên bố trí trụ sở, đất đai dôi ra sau sắp xếp tổ chức bộ máy cho giáo dục, y tế, văn hóa cộng đồng.
Tuy nhiên, một số ý kiến “tâm tư” về đặt tên đơn vị hành chính, xác định địa điểm đặt trung tâm hành chính của tỉnh mới. Một số cán bộ, công chức, viên chức lo lắng gặp khó khăn khi phải chuyển đến làm việc ở đơn vị hành chính mới cách xa trụ sở cũ. “Cử tri lo lắng nếu không có giải pháp cụ thể thì một số cán bộ có năng lực sẽ xin nghỉ việc do phải đi xa gia đình”, ông Chiến cho hay.
Vì vậy, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị bộ, ngành nhanh chóng thể chế hóa chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức phải di chuyển nơi ở đến làm việc ở trung tâm hành chính mới; đồng thời quy định cụ thể về chuyển mục đích sử dụng cơ sở dôi dư sau sắp xếp các cơ quan đơn vị.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Ảnh: Hoàng Phong
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính, chính quyền địa phương nơi được chọn làm trụ sở của đơn vị hành chính mới có trách nhiệm bố trí nhà công vụ cho cán bộ, công chức và người lao động. Điều này là giúp họ nhanh chóng ổn định điều kiện làm việc tại trụ sở mới sau khi sáp nhập.
Phát biểu trước Thường vụ Quốc hội hôm 23/4, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội đưa nội dung giám sát về sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính ở địa phương thành một chuyên đề trọng tâm trong năm 2026.
Ông đề nghị đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện đầy đủ chế độ, quyền lợi cho cán bộ, công chức bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp. Việc di chuyển và làm việc của cán bộ, công chức khi trung tâm hành chính thay đổi cũng cần được quan tâm, đánh giá những khó khăn và đề xuất các cơ chế hỗ trợ cần thiết. Các đoàn đại biểu Quốc hội có chuyên đề giám sát về nội dung này, làm rõ bất cập để đề xuất hướng xử lý.
Một số tỉnh như Cà Mau, Đồng Nai, Hải Phòng và các địa phương dự kiến được đặt trụ sở sau sáp nhập tỉnh đang xây dựng kế hoạch sắp xếp nhà công vụ và phương tiện di chuyển cho cán bộ, công chức phải chuyển nơi làm việc.
Ngoài vấn đề sắp xếp bộ máy, cử tri còn bày tỏ sự lo lắng và bức xúc trước tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, thuốc giả, thực phẩm kém chất lượng, cùng với sự phức tạp của các vụ lừa đảo, quảng cáo sai sự thật trên mạng, tình trạng cháy nổ và bạo lực trẻ em vẫn tiếp diễn. Cử tri và nhân dân mong muốn các cơ quan chức năng kiên quyết đấu tranh, làm rõ và xử lý nghiêm minh, công khai các hành vi này để người dân theo dõi và giám sát.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn và đẩy lùi nạn hàng giả, hàng kém chất lượng; chấm dứt tình trạng sử dụng sim rác để lừa đảo, chiếm đoạt thông tin cá nhân, cũng như việc đăng tải thông tin sai lệch, xuyên tạc trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tổ chức và cá nhân. Đồng thời, Mặt trận cũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương khẩn trương cụ thể hóa chính sách miễn học phí và hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh.